Thứ Hai, 13 tháng 7, 2009

TÔI LÀ NGƯỜI VIỆT

Tự hào mang dòng máu Việt

Khi người Việt cứ ngồi hỏi nhau trong lúc trà dư tửu hậu rằng “Biết bao giờ mới có những buổi hòa nhạc tầm cỡ của những tên tuổi đang nổi danh như cồn trên thế giới như Red Hot Chili Peppers, Madona, Kylie Minogue… diễn ra ở Việt nam?; Biết bao giờ ca sỹ Việt Nam mới bán đĩa được cho người nghe ở nước ngoài? vvv” hoặc cứ ngồi mê mẩn với những đại nhạc hội tầm vóc quốc tế như Live 8, Live Earth, Woodstock thì tự nhiên tôi lại ngồi nghĩ về một điều khác. Đó là tại sao không thử tìm hiểu xem ở đẳng cấp thế giới, đẳng cấp của những tay nhà nghề, đẳng cấp của những nghệ sỹ mainstream chứ không phải là giới underground, có tên tuổi nào mang dòng máu Việt hay không? Nếu tồn tại một người như thế, dẫu cho anh/ chị ta chỉ mang nửa dòng máu Việt thôi, tôi cũng đã đủ để tự hào khi mình được chung một nửa dòng máu với họ.

Và may mắn tôi đã tìm ra hai cái tên như thế. May mắn hơn nữa, đó lại là những người mang 100% dòng máu Việt. Họ đã và đang là những tên tuổi lẫy lừng được ghi nhận bởi những người chuyên nghiệp trong giới showbiz quốc tế. Nguyên Lê là một người trong số hai người và tên tuổi anh phổ biến ở Việt nam cũng gần 20 năm nay. Anh cũng đã có lần trở về với một concert nho nhỏ ở Sài gòn. Tài năng của Nguyên Lê là thứ đã được bảo chứng bằng những album world music mà ngay cả những người nghe khó tính nhất Âu - Mỹ cũng phải sưu tầm. Nhưng tôi muốn nhắc đến một người khác, một người tên tuổi cũng không thua gì Nguyên Lê, thậm chí là nổi danh hơn. Nhưng ở Việt nam không mấy ai biết đến anh, không mấy ai nghe những bản thu âm mà anh đã phát hành suốt thời gian qua, không mấy ai biết rằng anh chính là người Việt đầu tiên (và có lẽ là duy nhất cho tới nay chăng?) đã từng là một thành viên trong equipe được vinh danh bằng giải Grammy đến 2 lần. Đó là Cường Vũ.

Sinh ra ở Sài gòn vào một ngày toàn có số 9 (19.09.1969) phải chăng là định mệnh đã gắn liền anh với độ chín của một nghệ sỹ tài hoa? Sang Mỹ cùng gia đình khi mới sáu tuổi, Cường Vũ, như những đứa trẻ Việt trong các gia đình Việt xa xứ khác, mang theo mình ước vọng phải khẳng định mình ở đất khách quê người. Vũ đã từng muốn trở thành một cầu thủ bóng đá kiểu Mỹ nhưng cuối cùng anh không chọn con đường đó. Ba anh cho rằng thể hình anh qúa nhỏ nên khó có thể nào chen vai thích cánh cùng những đối thủ khổng lồ. Ước mơ lập nghiệp bằng nghề thể thao của anh coi như không thành. Nhưng ước mơ của ba mẹ anh thì đẹp hơn và đã thành sự thật.

Món qùa năm 11 tuổi mà ba mẹ tặng cho Cường Vũ là cây kèn trumpet, thứ nhạc cụ cực kén người chơi. Nó như một con ngựa bất kham mà nêú không kiên nhẫn thì người ta khó có thể thuần phục. Chiếc kèn ấy vẫn nhắc tôi nhớ tới câu chuyện vui ấu thơ. Ngày hè Hà nội nóng bức, lũ trẻ con ở nhà tập nhạc cụ mà cha mẹ cho theo học. Kết qủa là những cậu bé chơi guitar, chơi organ luôn được hàng xóm khen ngoan, khen giỏi. Còn cậu bé nào chơi trumpet nói riêng hay kèn nói chung, những lời nhận được chỉ là “Bác xin mày, mày có thôi toe toe đi hay không cho bác còn…ngủ”. Cường Vũ, không biết có làm ai mất ngủ không, đã làm chủ cây trumpet ấy một cách dễ dàng. Và cùng nó, anh tham gia vào ban nhạc ở trường, chơi jazz trong các buổi trình diễn để rồi từ đó, anh trở nên mê mẩn với fusion jazz, thứ jazz hiện đại và cũng đầy ngẫu hứng.

Sau khi rời trường trung học Bellevue, Vũ vào học ở New England Conservatory of Music và nhận bằng cử nhân về jazz. Con đường của anh bắt đầu trải thảm đỏ từ đó khi tất cả những nghệ sỹ lừng danh giảng dạy tại ngôi trường ấy như Joe Maneri, Geri Allen và Dave Holland đều nhìn thấy ở anh một tài năng trình diễn xuất chúng thiên bẩm. Chính Maneri, nhà sản xuất âm nhạc đồng thời là một nghệ sỹ saxophone, đã khuyến khích anh khám phá hơn nữa cây trumpet bé nhỏ của mình. Sự khuyến khích ấy đã mở ra cho Vũ một chân trời khác lạ, tự do hơn, thoáng đãng hơn và sáng tạo hơn.

25 tuổi, Vũ đến New York City, thiên đường âm nhạc miền Đông nước Mỹ, nơi mà người ta vốn dĩ rất mê chất “broadway lịch lãm thành thị”. Vũ lập tức tìm được tiếng nói ở đó trong cộng đồng nghệ sỹ Mỹ. Những ai đã nghe anh trình diễn đều phải kinh ngạc và với cảm xúc mà anh mang lại, giới nghệ sỹ Mỹ không ngần ngại gọi anh là phù thủy trumpet hay “tay trumpet jazz sáng tạo bậc nhất đương đại”. Từ đó, anh cho ra mắt 5 album riêng của mình và song song đó là hàng trăm bản ghi âm với toàn các tên tuổi lớn như Pat Metheny, Micheal Brecker, Mike Stern, David Bowie, Gerry Hemingway, Mark Helias, Laurie Anderson, Dave Douglas… Trong dự án cùng Pat Metheny (Pat Metheny Group), một nhạc sỹ jazz hàng đầu hiện nay, Cường Vũ đã vinh dự cùng nhận được 2 giải Grammy cho album jazz đương đại hay nhất vào năm 2002 và năm 2006. Hai Album đó, Speak of Now (2002) và The way up (2006) được coi là hai album “phải nghe” đối với những ai mê jazz, đặc biệt là fusion jazz. Đáng nể hơn nữa, Vũ không chỉ tham gia vào các dự án của Pat Metheny với tư cách nhạc công đơn thuần mà anh còn là người cùng Pat Metheny xây dựng nên những tác phẩm để đời ấy.

Với tất cả những thành tựu đó, Cường Vũ luôn được xếp hạng trong top 50 người thổi trumpet hàng đầu thế giới và thậm chí có những năm anh còn được bình chọn là một trong 5 nghệ sỹ trumpet jazz xuất sắc nhất. Lối chơi của anh luôn khiến người nghe như lạc vào mê cung của âm thanh và cảm xúc bằng cách solo chậm trên nhịp điệu nhanh (và ngược lại), một cách chơi đòi hỏi kỹ thuật, cảm nhận và sáng tạo phải cực kỳ mạnh mẽ và song song đó, các tố chất đó cũng phải kết hợp với nhau thực sự nhuần nhuyễn.

Cường Vũ chưa về Việt nam trình diễn có lẽ bởi anh qúa kín lịch lưu diễn và thu âm. Nhưng cũng có thể vì nhạc jazz còn quá kén người nghe ở Việt nam, đặc biệt là jazz đương đại. Mong một ngày nào đó được xem anh trình diễn live ở đâu đó, không cần phải là tại Sài gòn hay Hà nội. Đơn giản, mảnh đất chỉ là mảnh đất mà thôi. Dòng máu Việt trong con người Cường Vũ mới là điều quan trọng nhất. Nó cho anh sức sáng tạo với cây trumpet, và cho tôi được sống niềm tự hào là người Việt Nam.

Hà Quang Minh.

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2009

BẤT KHẢ TÍN

BẤT KHẢ TÍN

Anh không còn tin vào bất kỳ điều gì nữa

Cuộc sống lầy lội này, ta biết tin ai

Những nói cười thế thôi

Nhưng cảm thông thế thôi

Những yêu đương thế thôi

Tất cả

Cuối cùng

Chỉ là trò hề lộ liễu

Thành phố này ngổn ngang

Bụi

Khói

Và mùi mồ hôi của những kẻ chạy đua vì lý do gì chính họ cũng không biết

Những màu hoa ngày xưa bây giờ thành mỏi mệt

Bởi nỗi ám ảnh mơ hồ về một thời đại rất đẹp

Đã đi qua rất xa

Đôi khi ước ao một buổi chiều về nhà

Bình yên và hạnh phúc

Nhưng cuối cùng,

Ngay cả căn nhà

Cũng là địa ngục

Bởi nỗi cô đơn của một kẻ lạc loài

Nhìn lại mình chẳng thấy giống ai

Nhìn lại mình chẳng có ai là đồng loại

Chúng ta chỉ đồng lõa thôi

Để dựng nên một thời đại

Hối hả không thể tin nổi bất kể điều gì

Những dối trá

Hỡi ôi không chút khả nghi

Chúng ta cũng dối trá khi giả vờ tin vào chúng

Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng màn kịch này quá vụng

Để rồi hềnh hệch cười

Tất cả chỉ là trò chơi

Vết thương này

Thực sự khó ngoai nguôi

Vết thương này

Ngày nào cũng ứa máu

Một thời đại

Không biết đi đâu

Làm gì

Và từ đâu ta tới

Quẩn quanh

Hoang mang

Giả trá và lọc lừa

Ngay cả những điều em nói cùng anh mới lúc ban trưa

Cuối cùng cũng là lời nói dối

Nó ngọt ngào khiến anh nghĩ anh mới là thằng có lỗi

Nhưng chỉ cần bình tĩnh một phút thôi

Anh hiểu em đang trong vở kịch của chúng mình

Nhưng tốt nhất là anh cứ làm thinh

Cứ giả vờ như anh đang tin

Cứ giả vờ kiểu như anh cũng đang đóng kịch

Anh chẳng còn tin bất kỳ ai

Cả em nữa đấy “em yêu” ạ

Thời đại này tin ai cũng là khờ dại

Và nếu không tin, cũng cố phải ra vẻ dại khờ…

SG chiều mưa không ra mưa, nắng chẳng ra nắng